Wednesday, September 17, 2014

Business Analysis - Phân tích nghiệp vụ

Kỹ năng phân tích - Điều kiện tiên quyết của nghề Phân tích nghiệp vụ

Bạn đã bao giờ nghe nói đến nghề "Chuyên viên phân tích nghiệp vụ" - Business Analyst (BA)? Đó là nghề gì vậy? Bạn cần những kỹ năng nào để trở thành một chuyên viên phân tích nghiệp vụ giỏi?
Chuyên Viên Phân Tích Nghiệp Vụ (BA) là người chịu trách nhiệm phân tích nhu cầu của khách hàng và các đối tác đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp để tìm hiểu và đề xuất phương pháp giải quyết vấn đề phát sinh. Họ giúp cải thiện cách thức vận hành kinh doanh, giảm thiểu chi phí hoạt động, sử dụng hiệu quả nhất nguồn lực có giới hạn, và hỗ trợ cho khách hàng tốt hơn.
Một BA thường đóng vai trò “cầu nối” giữa hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp và bộ phận CNTT. Là thành viên của nhóm dự án, họ đóng góp nhiều ý kiến và thông tin giá trị. Họ làm việc với các nhà quản lý và các nhà tư vấn, chịu trách nhiệm phát triển mô hình nghiệp vụ, thực hiện các công việc nghiên cứu và phân tích phức tạp. Các BA làm việc trong nhiều lĩnh vực nghiệp vụ khác nhau, cọ xát với nhiều hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Các BA thường có trình độ về kỹ thuật, họ có thể bắt đầu từ vị trí lập trình viên hay kỹ sư công nghệ thông tin. Không nhất thiết phải có chuyên môn kỹ thuật, một số người có thể chuyển sang làm BA từ một ngành nghề kinh doanh khác nhờ có khả năng phân tích nghiệp vụ tốt. Các BA thường phát triển lên vị trí giám đốc dự án, chuyên viên tư vấn hay cố vấn chuyên môn.
Ngoài lĩnh vực IT, các BA còn làm việc trong ngành tài chính, ngânhàng, bảo hiểm, viễn thông, dịch vụ phần mềm… Ngoài trình độ học vấn, một BA cần có kỹ năng giải quyết vấn đề và giao tiếp tốt và chín chắn.
1. BA là gì?
- Business analysts (BA): Nhà phân tích kinh doanh là chuyên viên đánh giá tình trạng bên trong của doanh nghiệp và cung cấp những ý kiến khả thi để thay đổi doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp đến gần hơn với mục tiêu hoặc đạt được mục tiêu. Để hoàn thành nhiệm vụ đó, người phân tích phải sử dụng nhiều chiến lược khác nhau, bao gồm làm việc trực tiếp với nhân viên trong doanh nghiệp, tìm hiểu các tài liệu về nghiệp vụ của doanh nghiêp, quy trình hoạt động, các thủ tục trong doanh nghiệp. Ngoài ra, chuyên viên phân tích kinh doanh đôi khi còn phải làm việc với khách hàng.
- Một chuyên viên phân tích kinh doanh giỏi thường đóng nhiều vai trò, người đó có thể đánh giá hoạt động của doanh nghiệp và so sánh hoạt động đó với mục tiêu của doanh nghiệp. Đây chính là lí do mà nhà phân tích thường bắt đầu công việc bằng cách nghiên cứu các tiến trình trong doanh nghiệp. Điều đó bao gồm việc phải biết lịch sử của doanh nghiệp, bản chất của dòng sản phẩm của doanh nghiệp, cách tổ chức doanh nghiệp hiện thời, các chính sách thủ tục ở doanh nghiệp. Một khi nhà phân tích hiểu được doanh nghiệp đã và đang ở đâu trong hôm nay thì điều đó có thể giúp nhà phân tích nhận ra điểm mạnh và điểm yếu của doanh nghiệp ở hoàn cảnh hiện tại, và bắt đầu quá trình nhận ra những thay đổi của doanh nghiệp trước đây.
- Một số nhà phân tích lựa chọn phân tích,đánh giá dịch vụ trong doanh nghiệp, một số khác thì lựa chọn chuyên về các lĩnh vực cụ thể trong hoạt động của doanh nghiệp. Một nhà phân tích kinh doanh có thể tập trung phân tích vào các vấn đề công nghệ thông tin, bộ phận kế toán, bán hàng, quy trình marketting, hoặc thậm chí dựa trên sự hiệu quả  của  sự điều hành cơ cấu doanh nghiệp. Tùy thuộc vào lĩnh vực chuyên môn, nhà phân tích có thể có chứng chỉ từ hiệp hội hoặc cơ quan, mặc dù đa số các nhà phân tích trước đây thường là nhà điều hành hoặc quản lý, những người cung cấp các dịch vụ của họ dựa trên tập hợp kinh nghiệp ở nơi làm việc. Ngoài ra một số trường cao đẳng trên thế giới còn đưa ra các mức độ của phân tích kinh doanh và cung cấp cả chứng chỉ sau khi hoàn tất xong chương trình học.
- Chuyên viên phân tích kinh doanh nếu hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin thì thường được gọi là chuyên viên "phân tích nghiệp vụ". Vậy phân tích nghiệp vụ là gì? Điểm giống và khác nhau của nó so với phân tích kinh doanh là gì
2. Chuyên viên Phân tích Nghiệp vụ?
- Nhà phân tích kinh doanh là một cá nhân làm việc chặt chẽ với doanh nghiệp để hỗ trợ trong quá trình cải tiến. Công việc chủ yếu của họ là phân tích và thiết kế trong các lĩnh vực, tổ chức, và cả trong công nghệ thông tin. Một nhà phân tích kinh doanh làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin thì gọi là chuyên viên phân tích nghiệp vụ.
- Chuyên viên phân tích nghiệp vụ là một chuyên gia phải am hiểu cả hai lĩnh vực: kinh doanh  và CNTT. Họ như là cầu nối giữa đội ngũ kinh doanh và đội ngũ kĩ thuật để hỗ trợ công việc phát triển doanh nghiệp.
- Để hiểu rõ hơn, tôi xin lấy một ví dụ sau: Có một công ty ABC cần một phần mềm xuất nhập kho để quản lý hàng hóa của họ, hàng hóa của công ty ABC là các loại rượu. Họ thuê một công ty tin học “Solution software AAA” viết cho họ phần mềm đó. Nguyên tắc đầu tiên để viết phần mềm là phải có các mô tả về công ty ABC, sản phẩm, quy trình xuất nhập hàng hóa và…. gọi chung là các nghiệp vụ. Các chuyên viên phân tích nghiệp vụ của công ty Solution Software AAA chịu trách nhiệm đến công ty AAA và thu thập các yêu cầu nghiệp vụ. Họ sẽ phải chịu trách nhiệm lập các tài liệu, các tài liệu này môt tả các yêu cầu của doanh nghiệp, quy định trong doanh nghiệp. Sau đó họ sẽ phải lập báo cáo cho người quản lý các dự án CNTT, giám đốc hoặc trưởng phòng bộ phận CNTT, thậm chí là cho cả công ty ABC. Các chuyên viên phân tích nghiệp vụ phải đảm bảo rằng các thiết kế của họ phải phù hợp tiêu chuẩn kỹ thuật của công ty. Vì phải viết các tài liệu và bản thiết kế sao cho bộ phận lập trình có thể đọc được nên các chuyên viên phân tích nghiệp thường nằm trong bộ phận CNTT.
- Những người có ý định trở thành một chuyên viên phân tích nghiệp vụ có thể làm việc tại một công ty tư vấn hoặc trong tổ chức lớn bất kì. Tuy nhiên, nếu làm việc trong công ty tư vấn với vai trò là nhà tư vấn thì nó sẽ tốt cho ta vì nó mang lại cho ta nhiều kinh nghiệm hơn. Các nhà tư vấn được thuê làm việc theo dự án cụ thể, cho phép ta cộng tác với nhiều đội ngũ làm việc trong thời gian ngắn. Một khi một nhà phân tích đã có được những kinh nghiệm cần thiết, họ sẽ dễ dàng giữ một vai trò quan trọng trong các dự án.
- Hầu hết các chuyên viên phân tích nghiệp vụ có đều có bằng cấp của một ngành nào đó, một ngành có sự kết hợp của CNTT và kinh doanh: khoa học máy tính, hệ thống thông tin, quản lý tài chính… Bởi vì họ là cầu nối giữa doanh nghiệp cần một giải pháp CNTT và doanh nghiệp cung cấp giải pháp CNTT, cho nên họ phải hiểu các quy trình, cách làm việc của doanh nghiệp cần giải pháp CNTT, đây là điều quang trọng. Kỹ năng của họ là sự kết hợp các giao tiếp giữa kinh doanh và kĩ thuật.
- Có nhiều khóa học được mở ra để đào tạo cho các cá nhân quan tâm đến việc trở thành một chuyên viên phân tích nghiệp vụ. Các khóa học đó chuyên giúp người học hiểu cách giao tiếp trong kĩ thuật, các yêu cầu trong quy trình quản lý, và kỹ năng viết các tài liệu kinh doanh. Chuyên viên phân tích nghiệp vụ là một vị trí khó khăn vì nó có vị trí như hỗ trợ doanh nghiệp, họ cần phải hiểu cách làm thế nào để thực hiện các yêu cầu của doanh nghiệp. Họ đại diện cho công ty cung cấp phần mềm phải đáp ứng nhu cầu, sự kì vọng của công ty cần giải pháp phần mềm.
- Certified Business Analyst Professional (CBAP) là một chứng chỉ dành cho các nhà phân tích nghiệp vụ với ít nhất 5 năm kinh nghiệm. Để có được chứng chỉ này, họ cần phải trải qua một kỳ thi nhằm kiểm tra các kỹ năng của các nhà phân tích trong các lĩnh vực lập kế hoạch, phân tích doanh nghiệp, quản lý yêu cầu, và đánh giá các giải pháp.

Source: http://vinabac.com/node/327

0 comments:

Post a Comment